Agar được chế biến từ rong biển đỏ như Gracilaria và Gelidium. Nó thường được sử dụng trong chế biến thực phẩm như các loại bánh donuts, thạch và các loại bánh kẹo khác. Đây cũng là một nguyên liệu cơ bản được các công ty khởi nghiệp về nhựa sinh học rong biển sử dụng phổ biến.
Theo một nhà sản xuất agar của Indonesia, phản ứng của thị trường đối với sản phẩm này rất tích cực. Tại các thị trường truyền thống như Tây Âu và Nhật Bản, khối lượng và giá trị thương mại đang tăng lên. Trong khi các thị trường mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Ấn Độ và Malaysia, nhu cầu cũng có xu hướng tăng lên.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp sản xuất agar cũng còn rất nhiều mối bận tâm. Quá trình sản xuất tạo ra rất nhiều chất thải. Trước đây, khi ngành sản xuất agar còn non trẻ, không có quá nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất, do vậy, các phụ phẩm của quá trình sản xuất có thể được bán lại cho nông dân để làm phân bón. Tuy nhiên, hiện nay, quá trình đô thị hóa làm diện tích đất nông nghiệp thu hẹp lại, khiến các phụ phẩm không còn nơi để sử dụng.
Nước cũng là một vấn đề. Cần sử dụng hàng trăm lít nước ngọt để sản xuất được một cân agar và các nhà máy sản xuất agar thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trong mùa khô.
Cuối cùng, các rào cản kỹ thuật và quy định từ thị trường đang ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Người mua thường xuyên đặt ra yêu cầu phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm. Các doanh nghiệp chế biến luôn phải chứng minh cho khách hàng của mình thấy các sản phẩm của mình được nuôi trồng bền vững. Điều này là quá khó cho các doanh nghiệp khi họ thường xuyên thu mua sản phẩm từ những người trung gian bởi việc giao dịch trực tiếp với hàng trăm nông dân nhỏ là việc quá khó khăn và phức tạp. Hơn nữa, việc các sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn hữu cơ trở nên quá khó khăn khi tất cả nông dân đều sử dụng phân bón hóa học trong quá trình canh tác.
Khi tất cả các vấn đề về chất thải, nước và các quy định ngày càng chồng chất, một số người tiên phong đã tìm đến các giải pháp thay thế.
Nuôi ao bền vững
Tại bờ biển phía bắc của Tây Java, các ao nuôi tôm bị bỏ hoang đang dần được khôi phục. Do có tới 60% thức ăn bị lãng phí trong quá trình nuôi thâm canh cá và tôm, chất lượng nước tại các ao nuôi này thường bị suy giảm đáng kể. Ưu thế nuôi trồng thủy sản tại những vùng này không còn quá lớn, chỉ có rong biển và các loài cá khỏe mạnh, giá trị thấp như cá rô phi mới có thể tồn tại ở đây. Bằng cách phát triển mô hình nuôi rong biển có trách nhiệm, người dân hy vọng có thể cải thiện chất lượng nước ở đây, đồng thời, điều này cũng sẽ mang lại cơ hội việc làm cho người dân ở khu vực này.
Để tránh phải sử dụng phân bón, rong biển Gracilaria được nuôi kết hợp với cá măng sữa (Chanos Chanos). Đặc biệt, họ sử dụng thiết bị hỗ trợ để xác định chất lượng nước thay cho thói quen đánh giá bằng cảm quan thông thường theo kinh nghiệm. Đó là điểm mấu chốt trong mô hình nuôi mới, khi các dữ liệu quan trắc được sử dụng hiệu quả hơn trọng việc hỗ trợ quá trình nuôi.
Ý tưởng mới về chế biến
Đối với lĩnh vực chế biến, một số công ty khởi nghiệp đã bắt đầu xây dựng các nhà máy sản xuất sản phẩm thay thế nhựa từ rong biển Gracilaria ở Sidoarjo. Để tránh lặp lại các vấn đề về chất thải và nước giống như các nhà máy chế biến trước đây gặp phải, các công ty khởi nghiệp đã áp dụng phương pháp lên men nước mặn. Thay vì rửa và sấy rong biển bằng nước ngọt, phương pháp mới sẽ nghiền ướt rong biển rồi chiết xuất những hợp chất cần thiết. Quá trình này không sử dụng bất kỳ hóa chất hoặc dung môi độc hại nào, thay vào đó, tất cả đều được thực hiện nhờ vào nước. Sau đó, vi khuẩn sẽ được thêm vào để tạo ra một loại polyme tự nhiên có thể thay thế nhựa hóa thạch trong khi vẫn đảm bảo khả năng phân hủy sinh học.
Công ty khởi nghiệp nhựa sinh học Ijo có trụ sở tại Jakarta cũng có cách tiếp cận tương tự, sử dụng nước muối để rửa và vi sinh vật để phân hủy tảo biển. Tại Indonesia, công nghệ sinh học trong nước vẫn chưa phát triển, song các nhà đầu tư nước ngoài lại không mấy mặn mà để đầu tư do đánh giá mức độ rủi ro của lĩnh vực này là khá cao. Bởi vậy, các công ty khởi nghiệp phải tìm cách tạo ra các sản phẩm thực phẩm làm từ rong biển của riêng mình, thậm chí ngay cả bao bì đóng gói và dao/nĩa dùng để ăn cũng được làm từ rong biển. Đó là một lối đi tiềm năng cho các doanh nghiệp mới ở Indonesia.
Phát triển agar theo hướng đi mới
Một số doanh nghiệp Indonesia tập trung vào các loại agar và carrageenan cải tiến nhằm phân biệt chúng với các sản phẩm sản xuất hàng loạt giá rẻ của Trung Quốc. Các doanh nghiệp chế biến rong biển của Indonesia cần phải chuyển hướng triệt để từ chiết xuất agar đơn thuần sang nghiên cứu và phát triển ngành chế biến rong biển dựa trên việc nắm bắt giá trị dinh dưỡng của toàn bộ sinh khối rong biển, nhờ vậy có thể giúp giảm lượng chất thải và sử dụng hóa chất trong chế biến.
Java BioColloid hiện đang bán một loại chất xơ và chất tạo cấu trúc không có số E (phụ gia thực phẩm) sử dụng toàn bộ rong biển. Các nghiên cứu đang được tiến hành để xử lý rong biển hoàn toàn không sử dụng hóa chất, điều này sẽ cho phép bảo toàn tất cả các chất dinh dưỡng và giúp sản phẩm đạt được chứng nhận hữu cơ. Sản xuất thực phẩm ăn liền từ rong biển sẽ là định hướng của nhiều doanh nghiệp chế biến rong biển của Indonesia trong tương lai.
Hương Trà (theo thefishsite)